Fan Việt phát cuồng quá mức khi gặp Sao Hàn


Khoảng vài năm trở lại đây, khi trào lưu Hàn Quốc, phim Hàn, nhạc Hàn thực sự xâm nhập vào làng giải trí Việt Nam tạo điều kiện cho các sao Hàn thường xuyên có những tour diễn sang Việt Nam. Vì vậy, việc được gặp mặt các thần tượng bằng xương bằng thịt ở ngoài đời khiến nhiều fan Việt không thể giữ được cảm xúc của mình. 

Đối với mỗi sự vật, sự việc xảy ra quanh ta đều có 2 mặt: tích cực và tiêu cực. Tùy theo nhận thức của mỗi người mà họ sẽ hiểu được mặt tích cực và tiêu cực đó đến đâu. Hâm mộ Kpop cũng vậy, nó cũng có mặt tích cực và tiêu cực. 
Trào lưu Hàn Quốc xâm nhập vào Việt nam khá mạnh là 1 cơ hội mới cho thị trường giải trí Việt nam. Các công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc cũng đang nhắm tới Việt Nam như một thị trường tiềm năng cho ca sĩ của mình và tìm kiếm những tài năng Việt để đưa sang Hàn Quốc đào tạo. Với sự phát triển đa chiều và sự du nhập của văn hóa âm nhạc ở các nước trên thế giới vào Việt Nam đã góp phần đáp ứng nhu cầu về thưởng thức của đông đảo công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì những nguy cơ độc hại vẫn luôn tiềm ẩn. Vì trên thực tế Kpop khi xâm nhập Việt Nam lại bị định hình một cách méo mó qua các hành động không đẹp của fan cuồng.

Hiện tượng cuồng Kpop ở Việt Nam đã đạt đến đỉnh điểm, mỗi lần có nhóm nhạc Kpop sang Việt Nam biểu diễn, dư luận lại dậy sóng với những câu chuyện “fan cuồng”,  nhiều bạn trẻ trở thành "huyền thoại", thành "thánh cuồng" với những hành động lố bịch như hôn ghế thần tượng, quỳ khóc tại sân bay khi không gặp được thần tượng... . Các em sẵn sàng ăn ngủ ở sân bay cả ngày trời, các em kiếm mọi cách để có tiền vào cổng và các em ngất lên ngất xuống khi thấy thần tượng. 

Hãy "điểm danh" những hành vi bị đa số người cho là không đúng mực một số fan cuồng K-pop.

Bỏ ăn, bỏ học để bám đuổi thần tượng

Khi phía Đài KBS Hàn Quốc vừa tiết lộ thông tin sẽ có hàng loạt các ngôi sao "hot" nhất làng nhạc Kpop như Super Junior, CN Blue, Beast, Sistar, Secret, Davichi, MBLAQ, IU sẽ đến Việt Nam các fan trẻ người Việt đã sục sôi không khí để đón chào thần tượng.
Do chương trình chỉ hát một đêm duy nhất nên trước khi chương trình diễn ra hàng chục ngày, các fan đã ra sức dò hỏi, săn lùng để mong có được một cơ hội chạm mặt thần tượng. Hàng trăm fan hâm mộ đã “đứng ngồi không yên”, chầu chực từ ngày này qua ngày khác với hi vọng sở hữu được một tấm vé mời tham dự Music Bank, tuy nhiên họ đều phải ra về trong nỗi thất vọng khi đáp lại sự cuồng mộ ấy chỉ là những cái lắc đầu, bên nọ chỉ sang bên kia.
Khi nghe tin các nhóm nhạc Hàn sang Việt Nam biểu diễn, rất nhiều bạn học sinh đã rủ rê nhau nhịn ăn nhịn uống để dành tiền mua vé đi xem thần tượng. Không những thế mà ngày nào cũng gọi điện, chat chit với nhau để bàn luận, phân chia nhiệm vụ, cắt cử nhau đi lùng sục vé, hội ý xem nên tặng thần tượng món quà gì, gặp thần tượng thì làm thế nào,... vân vân...và... vân vân...

Gào thét, khóc lóc, đuổi theo ô tô

Cứ mỗi lần các sao Hàn đổ bộ đến Việt Nam là hàng ngàn fan Việt mất ăn mất ngủ. Họ rượt đuổi thần tượng từ sân bay, ở khách sạn, ở địa điểm biểu diễn. Mỗi khi thần tượng xuất hiện, nhiều cô gái chàng trai khóc nức nở. Có fan còn không thể đứng vững vì quá vui mừng, hạnh phúc khi được gặp các ngôi sao của mình.
Mới đây nhất, trong sự kiện Music Bank 2015, để được tận mắt nhìn thấy thần tượng, nhiều bạn đã chờ đợi, tụ tập thành từng nhóm nhỏ trên đường để được nhìn thấy nhóm nhạc Hàn Quốc đi qua.



Chiều ngày 27 tháng 3 vừa qua, các thành viên EXO đã có mặt tại sân bay Nội Bài để chuẩn bị tham gia đêm nhạc Music Bank ở Hà Nội. Là một trong những nhóm nhạc kpop hàng đầu Châu Á nên họ sở hữu một lượng fan hâm mộ vô cùng hùng hậu. Ngay khi nhìn thấy thần tượng xuất hiện, nhiều bạn trẻ đã không thể kiềm chế cảm xúc, dẫn đến tình trạng la hét, xô đẩy và khóc lóc thảm thiết gây náo loạn cả sân bay.
Thậm chí đuổi theo xe ô tô chở nhóm nhạc này để chỉ thấy thần tượng rõ hơn.


Trong sự kiện Kpop Festival diễn ra vào tháng 11 năm 2012, hình ảnh các fan nam của nhóm nhạc nữ T-Ara ôm nhau khóc nức nở vì phấn khích khi gặp được thần tượng đã bị nhiều cư dân mạng đem ra chế giễu và công kích



Sau khi tận mắt được nhìn thấy các cô gái, không ít fan nam đã ôm nhau khóc nức nở vì vui sướng.

Cào cấu, giật tóc thần tượng

Hơn 40 tờ báo tại Hàn đã đồng loạt đưa tin về việc thành viên Jiyeon của nhóm nhạc T-ara bị fan giật tóc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Dù sau đó, cô đã lên tiếng trấn an người hâm mộ và cho biết cô không sao sau sự cố sân bay, đồng thời hy vọng fan Việt nên cẩn thận và giữ trật tự hơn ở những lần tái ngộ sau này. Nhưng hành vi này của các fan Việt cũng khiến nhiều người, thậm chí là cả cộng đồng fan Kpop tại Việt Nam lên án. Nhiều người còn cho rằng đó là hành động quá khích của các anti fan chứ không phải các fan.


Chen lấn, giẫm đạp, ngất

Dư luận vẫn chưa hết "hú hồn" khi nhớ về buổi biểu diễn của Super Junior tại MTV Exit Vietnam cách đây 5 năm. Đây là lần đầu tiên một nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc tới Việt Nam biểu diễn. Điều này đã khiến sự kích động của các fan dâng cao. Nhiều fan đã không thể kiềm chế được bản thân. Hàng ngàn người đã tìm mọi cách để tiến gần hơn đến sân khấu, dù là phải chen lấn, dẫm đạp lên nhau.


Kết quả là sau buổi diễn tại sân vận động Mỹ Đình, có 40 fan Việt ngất xỉu do thiếu ô xi và quá mệt. Nhiều người cũng bầm tím vì chen chúc tại buổi diễn.


Sau đó ít lâu, buổi diễn của nhóm Big Bang cũng bị gián đoạn giữa chừng vì các khán giả không ngừng đẩy nhau tiến về phía trước.

Hôn ghế thần tượng vừa ngồi

Có thể yêu quý và hâm mộ, có thể nhịn ăn xếp hàng mua vé, có thể chen lấn xin chữ ký, mặc áo khoác giữa mùa hè nhiệt đới cho giống thần tượng nhưng đến mức - xúm xít vào hôn cái ghế thần tượng ngồi thì là chuyện chỉ có ở Việt Nam.
Tháng 3/2012, Bi Rain đến Việt Nam trong một chương trình giao lưu văn hóa được tổ chức tại Nhà hát lớn. Trong buổi tổng duyệt, nam ca sĩ đã chọn ngồi trên chiếc ghế có ký tự A12. Một vài fan của Bi Rain sau khi biết việc này đã lao đến hôn hít và.. ngửi chiếc ghế thần tượng vừa ngồi.

Mắng chửi cha mẹ

Dư luận cũng không ít lần phẫn nộ với những bài viết "dằn mặt" bố mẹ đẻ của nhiều fan cuồng nhạc Hàn. Hành động xấu xí bắt nguồn từ việc bố mẹ của các fan này ngăn cản con mình không quá sa đà vào việc hâm mộ các ngôi sao xứ Kim chi, hoặc không cho con tiền để đi xem thần tượng... Xem ra, với thần tượng, bố mẹ chẳng còn là gì trong mắt con cái.
Sau vụ ông bố sát hại con gái 13 tuổi ở Trung Quốc chỉ vì con gái phát cuồng vì nhóm nhạc Kpop của Hàn đã dấy lên 1 tiếng chuông cảnh tỉnh ở thế hệ trẻ hiện nay.
Một cô bé là fan hâm mộ của một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc, chỉ vì bị cha mẹ nhắc nhở phải chú tâm học hành, đã lên mạng chửi cha mẹ không tiếc lời. Thật đáng buồn vì đây lại không phải trường hợp cá biệt. Chỉ cần lên Google tìm kiếm về cụm từ "cuồng Kpop" cũng cho ra hàng triệu kết quả với những hình ảnh dở khóc dở cười. Nhiều nam nhi khóc lóc, quỳ gối, mặt mày lem nhem, đẫm lệ. Những dòng status chửi cha mẹ, chửi ông bà... được giật lên chỉ vì bị ngăn cấm tình yêu với thần tượng.


Sau khi bức "thư phản ứng mẹ" được chia sẻ trên face book của nhiều bạn trẻ, dân mạng đã bàn tán sôi nổi với hàng trăm ý kiến và lượt chia sẻ, đại đa số đều lên án, chỉ trích hành động của cô gái trẻ này.


Nhiều ý kiến cảm thông với tâm tư của các bạn trẻ khi bố mẹ không đồng cảm và thấu hiểu được sở thích của con tuy nhiên, phản ứng bằng cách viết thư với những lời lẽ gay gắt và thiếu kiềm chế như cô gái trẻ này là điều hoàn toàn không nên và không đúng.
"Bức thư của cô gái còn đang trong độ tuổi đến trường cũng là lời cảnh báo với các bậc phụ huynh. Nhiều khi cấm đoán một chiều, thiếu sự tương tác, chia sẻ với con có thể khiến con trẻ rơi vào tình trạng suy sụp về tinh thần và dẫn tới những hậu quả không đáng có", một chuyên gia về tâm lý chia sẻ trên face book.
Nhiều em học sinh cấp hai, cấp ba, và thậm chí cả những sinh viên đại học, cứ sau giờ học là đóng kín cửa phòng để xem những thứ liên quan tới thần tượng Kpop, bỏ bê học tập, thu mình với gia đình và xã hội.
Người lớn trách móc bọn trẻ “cắm đầu cắm cổ vào những thứ vô bổ”, còn trẻ con thì cãi lại “đó là sở thích của chúng con”. Phải rồi, mỗi người đều có những sở thích khác nhau, nhưng hâm mộ ai đó không có nghĩa là khiến bản thân mình trở nên xấu hơn.

Có bạn đọc chia sẻ vì không đồng tình với hành động trên của các bạn trẻ:

- "Hy vọng con gái tôi lớn lên sẽ không gặp cảnh khóc cuồng sao Hàn" hay "Tôi có 1 ước ao, 1 khát khao là con tôi khi lớn sẽ không như vậy"
Thiết nghĩ thần tượng của các bạn này phải là những người cha người mẹ đang ngày đêm tảo tần cực khổ để nuôi nấng họ khôn lớn nên người. Thay vì phí công sức tiền bạc và thời gian vào những hành động vô vị như vậy thì hãy quay về nhà phụ giúp cha mẹ của mình đi. Vì đó mới là những hành động thiết thực cho thần tượng của cả đời mình đó các bạn trẻ"

- Bố mẹ nào mà nhìn thấy cảnh con chạy theo thần tượng khóc thì chắc cũng sẽ khóc theo. Họ khóc không phải vì thấy con sung sướng, mà họ khóc vì cảm giác tủi thân. Vì vậy, các bạn nên dành những giọt nước mắt đó cho gia đình, bạn bè người thân chứ đừng để nó rơi một cách lãng xẹt như thế.

- Đồng ý là hâm mộ nhưng cũng phải có giới hạn chứ. Thử hỏi các bạn khóc như thế có lợi ích gì cho nước nhà, cho bản thân. Hay chỉ hạ thấp giá trị bản thân, làm lố.
- Hãy giành những giọt nước mắt quý giá cho những gì gần gũi và thực tế hơn nhé! Đừng giành nó cho những người mà ngay cả sự tồn tại của chính bạn trên trái đất này họ chẳng hề hay biết đến. Hâm mộ thần tượng ai đó là không xấu nhưng cái gì cũng cần có giới hạn các bạn trẻ ạ!

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nhiều ý kiến khác cho rằng chuyện thần tượng, yêu mến ai là quyền của giới trẻ, miễn sao không phạm luật và ảnh hưởng đến người khác. 

- "Tại sao mọi người lại coi thường những bạn trẻ thần tường Kpop như họ vậy? Họ đã làm gì sai? Chẳng lẽ xúc động khi được gặp người mình hâm mộ là điều không thể? Vui mừng khi được gặp những người mà tưởng chừng như chỉ có thế thấy qua hình ảnh, tivi không được sao? Điều này có khác gì so với những cổ động viên bóng đá rơi nước mắt khi đội bóng họ yêu mến ghi bàn hay khi họ thua trận? Nếu mọi người không thích thì có thể đừng quan tâm chứ đừng chỉ trích họ chỉ vì mình ngứa mắt",
- Thật buồn cho thế hệ đi trước vẫn còn cách nhìn thiển cận, suy nghĩ cũng còn nóng vội quá, Sao biết fan Kpop không thương ba mẹ, không động lòng trước những mảnh đời bất hạnh, chỉ biết nhìn những hình ảnh xấu xí mà chỉ trích chứ không thèm nhìn những mặt đẹp đẽ của Kpop, oa đây mới đúng là thành phần nguy hiểm nhất nè. Nói trắng ra là mọi người ngứa mắt, không ưa Kpop chứ gì sao phải tỏ vẻ lo lắng rồi buồn thảm cho một thế hệ, xin lỗi chứ giả tạo quá. fan Kpop tụi tôi nhiều người rất giỏi, rất đẹp nhé không cần mọi người tốn công lo lắng đâu ha
- Trách các em trẻ ít thôi, hãy trách ai đã "đầu độc" các em ý.
- Ý kiến của 1 fan hâm mộ sao Hàn:
"Cháu tự thấy việc chúng cháu yêu thích những thần tượng này không có gì là xấu, chúng cháu còn trẻ nên dĩ nhiên thích những gì sôi động và bắt mắt, những điều đó chẳng hề ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng cháu.
Chúng cháu bắt chước nhảy theo họ cũng giống như nhiều người trên thế giới bắt chước thần tượng Michael Jackson mà thôi. Theo cháu thấy tất cả những điều này đều không thể nói là sai trái, là lệch lạc suy nghĩ và kiến thức gì được. Vì bố mẹ chẳng thể hiểu nổi con cái mà áp đặt con cái vào lối suy nghĩ của bố mẹ, cháu hoàn toàn phản đối việc này vì thế hệ chúng cháu rất khác với thế hệ của các bố mẹ."
- Có bạn đọc đưa ra ý kiến như sau: Các bậc cha mẹ mong muốn con em mình chăm ngoan, học giỏi, đạt thành tích tốt trong học tập,… vậy tại sao không có sự đồng cảm với sở thích của con em, thay vì nói rằng: “Nếu con được học sinh giỏi, bố mẹ sẽ cho con đi du lịch, hay mua đồ cho con,…” quý vị có thể đưa ra những lời hứa, động viên có hướng tích cực hơn với con em mình như: hứa cho đi xem concert, mua album, poster,… nếu con có thành tích học tập tốt,… tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Kpop sẽ chẳng có hại nếu ta biết khai thác mặt tích cực của nó. Nó cũng là cách giải trí hữu hiệu nhất cho những ai thực sự yêu thích Kpop.

Sự hâm mộ của fan Việt có đáng bị lên án nặng nề như thế không?

Họ sẵn sàng ra sân bay chờ từ 10h đêm đến 10h sáng hôm sau để đc gặp thần tượng, họ chia sẻ cùng các bạn khác trong fanclub miếng bánh mì, cái khăn ấm, chai nước. Họ ngồi yên cho bạn mình dựa vào vai chợp mắt ở ghế chờ sân bay, họ cũng có những cảm xúc rất bình thường, là háo hức vui mừng, là nụ cười, là những giọt nước mắt khi nhìn thấy người họ yêu mến.
Nếu thứ mà giới trẻ đang hâm mộ là những thứ sai trái, không lành mạnh thì điều đó đáng lên án, chỉ trích, nhưng ở đây, thần tượng của họ lại là những chàng trai, cô gái đã chinh phục cả châu Á bằng ngoại hình, vũ đạo, giọng hát, cả sự dễ thương, đáng yêu, thân thiện và đang tiến ra chinh phục thế giới. Họ cũng tài năng, bản lĩnh và chuyên nghiệp không hề kém các nghệ sĩ lớn của US, UK và họ hoàn toàn xứng đáng nhận được sự mến mộ của khán giả.
Thiết nghĩ, chắc không có quy chuẩn nào để người ta mang ra cân đo đong đếm được, rằng tôi khóc vì cái này mới là cao cả, là tốt đẹp, bạn rơi lệ vì điều kia chỉ đáng xấu hổ. Mỗi người sẽ có một quy chuẩn cho riêng mình, mỗi cộng đồng sẽ có một ý nghĩ khác nhau. Và có lẽ cũng không nên lấy thế hệ, cảm xúc, quan điểm của mình để áp đặt lên một thế hệ khác.
Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà fan Kpop hay bị xã hội để ý và soi xét kỹ hơn những fan của các nghệ sĩ khác. Vẫn có ít nhiều những “con sâu làm rầu nồi canh”, những bạn không kiềm chế được cảm xúc mà gây mất trật tự, chen lấn, xô đẩy mỗi lần ở gần thần tượng, rồi mới đây là vi phạm luật giao thông,… Thế nhưng đa phần fan Việt vẫn đang cố gắng xây dựng một hình ảnh đẹp trong mắt mọi người và thần tượng của mình để vẽ lại những hình tượng fan Kpop chân chính, hâm mộ có tổ chức, có văn minh.
Khi làn sóng Kpop bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam, chúng ta không thể hình dung có ngày sự hâm mộ lại bị biến dạng một cách xấu xí như hiện tại. Tất nhiên, Kpop không xấu, và fan Kpop không phải ai cũng cư xử như những trường hợp đáng buồn kể trên. Tôi rất ngưỡng mộ các bạn trẻ tự đi làm kiếm tiền để phục vụ sở thích cá nhân. Và tôi biết có nhiều fan club thường xuyên tổ chức các buổi quyên tiền làm từ thiện giúp đỡ cộng đồng.

Thay lời kết

Những sự việc tiêu cực của fan cuồng gây nên là điều không ai mong muốn, và chúng ta không thể đổ lỗi cho ai, kể cả chính những nhóm nhạc, ca sĩ Hàn Quốc đó. 
Nên chăng, xã hội nên có một cái nhìn bao dung, đa chiều và công bằng hơn đối với lớp trẻ? Bởi không phải cứ hâm mộ, khóc lóc vì thần tượng, bỏ ra cả ngày chờ thần tượng thì người khác được quyền phê phán và miệt thị họ là những người bỏ đi, là thế hệ bỏ đi, là thế hệ đáng xấu hổ. Đó cũng chỉ là một vài ngày họ được sống hết mình với đam mê, được cùng những người bạn có chung niềm hâm mộ, có những kỉ niệm đáng nhớ của tuổi trẻ. Rồi sau đó họ lại trở về với công việc thường ngày. Họ sẽ vẫn là người con ngoan, trò tốt, vẫn sẽ góp công, góp sức xây dựng đất nước, xã hội này ngày một tốt đẹp hơn. Và nếu lựa chọn một cuộc sống nhàn nhạt, không có đam mê thì đôi khi một chút ồn áo và xáo động trong cuộc sống sẽ làm cho tuổi trẻ sôi nổi hơn, nhiệt huyết và đáng nhớ hơn chăng?


Tag : Bình luận

Bình Luận

0 Komentar untuk "Fan Việt phát cuồng quá mức khi gặp Sao Hàn"

Back To Top